40 triệu người có thể dùng căn cước công dân khi đi khám chữa bệnh BHYT
Mục Lục
Đến thời điểm này, khoảng 40 triệu người có thể sử dụng căn cước công dân khi khám chữa bệnh BHYT tại hơn 12.000 cơ sở y tế mà không cần phải có thẻ BHYT. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc này.
Tại cuộc họp mới đây về 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) thay thế dần thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi người dân đi khám, chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng, thẻ BHYT hiện nay đã đồng bộ với thẻ CCCD. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn chung đối với các địa phương.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc này, dần hướng tới tương lai, mỗi người dân chỉ có thẻ CCCD và mã số định danh. Ngành y tế sẽ không đặt ra bất kỳ mã số hay thẻ gì khác.
40 triệu người có thể dùng căn cước công dân khi đi khám chữa bệnh BHYT.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, cơ quan bảo hiểm đã liên thông cơ sở dữ liệu của 40 triệu người tham gia BHYT với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Đây là kết quả bước đầu thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT.
Với việc đồng bộ dữ liệu này, 40 triệu người tham gia BHYT có thể sử dụng CCCD hoặc CCCD gắn chip khi đi khám chữa bệnh. Cũng từ ngày 1/3, hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh đã cập nhật phần mềm, chấp nhận thẻ CCCD trong khám chữa bệnh BHYT mà không cần phải có thẻ BHYT.
"Đến nay, cả nước có 88 triệu người tham gia BHYT, như vậy còn khoảng 48 triệu người sẽ tiếp tục được cập nhật, đồng bộ dữ liệu để trong thời gian tới người tham gia BHYT có thể sử dụng CCCD hoặc CCCD có gắn chip khi khám chữa bệnh" - ông Đào Việt Ánh nói.
Khi bệnh nhân đến khám, nhân viên của bệnh viện sẽ kiểm tra CCCD (quét mã QR hoặc ứng dụng VNEID). Nếu đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì thực hiện kiểm tra, đối chiếu và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành; đồng thời thông tin người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chip hoặc bằng ứng dụng VNEID.
Trường hợp chưa có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT hoặc người bệnh chưa có CCCD gắn chip thì giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thực hiện được; bệnh viện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.
Theo BHXH Việt Nam: Việc xác thực thông tin qua CCCD gắn chip vẫn đang được hoàn thiện, vì vậy đối với trường hợp người dân khi khám lần đầu tiên tại bệnh viện hoặc chưa được cấp CCCD có gắn chip cần mang theo thẻ BHYT/ điện thoại thông minh có cài ứng dụng VssID kèm theo giấy tờ tùy thân có ảnh.
Nguồn: https://bitly.com.vn/9jwv9l