Nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy bệnh nhân làm trung tâm
Mục Lục
Sáng 21/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Dự thảo Luật gồm 10 chương và 102 điều, thêm một chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian qua, trên cơ sở các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải đảm bảo yêu cầu lấy bệnh nhân làm trung tâm. Ảnh: TL.
Dự thảo Luật quy định 9 chức danh phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, bổ sung 3 chức danh so với đề nghị xây dựng Luật.
Bên cạnh đó, dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) cũng bổ sung, sửa đổi quy định về tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Thẩm tra về các nội dung của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động, thuyết minh rõ lý do bổ sung, vai trò cũng như phạm vi hoạt động chuyên môn của ‟kỹ thuật y”, “dinh dưỡng”, “cấp cứu viên ngoại viện” trong hoạt động khám chữa bệnh; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám chữa bệnh cần được cấp giấy phép hành nghề.
Việc quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các đối tượng y sỹ khác, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh là sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở, mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng trách nhiệm của người hành nghề khám, chữa bệnh để bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người bệnh.
Để đảm bảo chất lượng của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế cụ thể, sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vào trong dự thảo Luật. Đặc biệt, các nội dung của dự thảo Luật cần được xây dựng theo đúng phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”.
Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, luật sửa đổi lần này cần đảm bảo được yêu cầu bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh và bảo vệ đội ngũ thầy thuốc cũng như công khai, minh bạch hoạt động khám chữa bệnh; thể chế hoá toàn diện hơn chủ trương xã hội hoá trong khám chữa bệnh.
Đó là phải khắc phục được tình trạng lạm dụng công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh lên quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số quần chúng nhân dân. Người bệnh đua nhau dồn lên tuyến trên, y tế cơ sở ít được coi trọng....
Chỉ ra lĩnh vực y tế dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực từ mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc men cho đến chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm cơ chế tài chính.
“Phải rõ ràng minh bạch và giải trình trách nhiệm của các bên tham gia vào hệ thống y tế, cũng như hoạt động khám chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.
Nguồn: https://bitly.com.vn/tvc5iw