Những thông tin cần biết về thẻ BHYT điện tử

Mục Lục

    Năm 2018, BHXH Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý phải kể đến chính là việc chuyển sang thẻ BHYT điện tử trong việc khám, chữa bệnh của người tham gia dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Vậy thẻ BHYT điện tử sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân cũng như cơ quan quản lý?

    Ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, viên chức, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Việc phát hành thẻ BHYT điện tử góp phần đạt được mục tiêu trên.  

    Theo BHXH Việt Nam, việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh và đặc biệt là người tham gia BHYT.

    Đối với cơ quan BHXH, việc cấp thẻ BHYT điện tử giúp giải quyết tình trạng trục lợi lạm dụng quỹ BHYT do người đi khám, chữa bệnh phải thực hiện việc xác thực nhân thân của chủ thẻ thông qua thông tin sinh trắc học sẽ ngăn chặn tình trạng mượn thẻ BHYT. Đồng thời, rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm thời gian thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo phương thức thủ công. Bên cạnh đó, thông tin về BHXH, BHTN dự kiến sẽ được tích hợp vào thẻ BHYT điện tử để tiến tới dùng chung thay thế cho sổ BHXH giấy hiện hành. Ngoài ra, việc cấp thẻ BHYT điện tử cũng góp phần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục như in gia hạn sử dụng thẻ BHYT hàng năm; đổi thẻ do sai, lệch thông tin, thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, điều chỉnh quyền lợi, đối tượng; thu hồi thẻ  còn giá trị sử dụng đối với người lao động báo giảm.

    Đối với cơ sở khám, chữa bệnh, việc chuyển đổi sang sử dụng thẻ điện tử để xác thực người sử dụng thẻ tại khâu tiếp đón bệnh nhân, tiết kiệm được chi phí và giảm thời gian kiểm tra thủ tục, đảm bảo nhanh gọn, chính xác do thông tin lưu giữ trong thẻ điện tử (trong chíp) được dùng để nhận dạng, xác thực nhân thân bệnh nhân, thay vì phải kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh. Thẻ  điện tử cũng giúp cơ sở y tế kiểm tra thông tin các lần khám, chữa bệnh BHYT gần nhất để tránh trường hợp đi khám, chữa bệnh và lấy thuốc không theo đợt điều trị.
    Còn lợi ích đối với người tham gia BHYT, những người đã có thẻ giấy sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Quan trọng nhất là người tham gia khi đi khám, chữa bệnh không cần mang giấy tờ tùy thân mà có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt...  giúp thuận tiện và giảm phiền hà.

    Thẻ BHYT điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ cho người tham gia, đồng thời rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính

    Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có nêu: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2020, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT”.

    Do vậy, BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử theo kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử...

    Trong 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và xây dựng thẻ BHYT điện tử sẽ là một bước đột phá của ngành.

    BHXH Việt Nam cũng tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHYT liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.

    Thẻ BHYT điện tử ra đời bên cạnh việc tiện lợi trong quá trình giải quyết chế độ, còn khắc phục được tình trạng trùng sổ BHXH, thẻ BHYT như thời gian qua. Đồng thời cũng nhằm từng bước thực hiện theo tinh thần của Nghị Quyết 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Trong đó, chủ trương chỉ đạo: “định hướng mục tiêu năm 2021 tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%” và “Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp”.

    (Theo http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn)

    Các bài viết liên quan:

    Share
    0
    +1
    0
    Tweet
    0

    Tin cùng chuyên mục

    Hotline tư vấn

     0983 23 26 18