Bệnh viện ASEAN bước vào ‘vũ trụ ảo’ để tìm kiếm các giải pháp y tế mới

Mục Lục

    (KTSG Online) – Hai chuỗi bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á nhận ra cơ hội lớn trong việc sử dụng thực tế ảo (VR) và tương tác thực tế ảo (AR) để tăng cường chất lượng dịch vụ y tế từ xa. Họ hy vọng trong tương lai gần bệnh nhân sẽ dùng vũ trụ ảo (metaverse) để tìm kiếm các giải pháp y tế thích hợp.

    Các bệnh viện hàng đầu ở Đông Nam Á đang tận dụng các công nghệ mới như thực tế ảo VR hay tương tác thực tế ảo AR và vũ trụ số để nhân viên y tế có thể thăm khám cho bệnh nhân từ xa. Người bệnh đồng thời cảm thấy y bác sĩ như đang ngồi trước mặt mình.

    Giờ đây, sự bùng nổ xung quanh VR, AR và metaverse có xu hướng phát triển rộng hơn và xa hơn mảng trò chơi điện tử, tiến vào lĩnh vực chăm sóc y tế.

    Công nghệ mới tạo trải nghiệm mới

    Chuỗi IHH Healthcare ở Malaysia và hệ thống Bệnh viện Quốc tế Siloam của Indonesia đã khai thác y tế từ xa khi đối mặt với đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020. Họ sử dụng công nghệ để tiếp cận những bệnh nhân đang ở trong khu phong tỏa hoặc ở những vùng xa xôi, cũng như bắt đầu khám phá trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để hỗ trợ chẩn đoán và nâng cao chất lượng chăm sóc.

    “Tôi nghĩ rằng những khả năng này cung cấp các giải pháp mới cho ngành chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ mở bệnh viện trong vũ trụ ảo. Chúng tôi sẽ có thể cung cấp nhiều dịch vụ mới trong thế giới kỹ thuật số đó”, Phó Chủ tịch Caroline Riady của Siloam phát biểu tại Diễn đàn châu Á sáng tạo do hãng Nikkei tổ chức tại Singapore hôm 20-1.

    Bà Riady đưa ra ví dụ về việc sử dụng các công nghệ mới như VR, AR hay metaverse trong tâm thần học và tâm lý học, khi có một số bệnh nhân muốn được tư vấn tại nhà. “Tuy không rời nhà để đến phòng khám hay bệnh viện, họ vẫn sẽ có cảm giác như đang ngồi trước một bác sĩ, ngồi trước một người nào đó trò chuyện và tư vấn cho họ. Đây không phải là viễn tưởng quá xa, mà là khả năng rất gần”, nhà quản lý của Siloam phát biểu.

    Giám đốc truyền thông Linus Tham của IHH nói rằng ứng dụng nhanh chóng các công nghệ số vào hệ thống khám chữa bệnh sẽ mang lại “cơ hội lớn” để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm trong y tế từ xa và tư vấn trực tuyến.

    “Sự kết hợp của AR, VR và metaverse sẽ mang đến cơ hội tương tác rất độc đáo mà chúng tôi có thể tạo ra cho nhân viên của mình và bệnh nhân. Chúng tôi thực sự thực sự mong muốn thúc đẩy sự chuyển đổi trong cách thức khám chữa bệnh thời Covid. Chúng tôi không xóa bỏ hay thay thế các phòng khám chữa bệnh vật lý nữa, mà bổ sung và hoàn thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng”, ông Tham phát biểu tại diễn đàn của Nikkei.

    Trong vòng 10-15 năm tới, ông hy vọng máy bay không người lái sẽ cung cấp thuốc trực tiếp cho người dân ở những vùng bị cô lập hay nơi thiếu thốn điều kiện khám chữa bệnh. Sự phát triển của công nghệ AI và học máy sẽ cho phép các bác sĩ không chỉ tư vấn cho bệnh nhân ngoại trú mà thậm chí còn giám sát từ xa bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

    Ông Tham cho rằng công nghệ mới sẽ cho phép người dân ở những khu vực mà tỷ lệ bác sĩ trên số dân vẫn còn thập, giống như nhiều khu vực kém phát triển ở châu Á, mà tỷ lệ bác sĩ trên dân số vẫn còn thấp – giống như nhiều khu vực kém phát triển của châu Á – có “khả năng tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ y tế”.

    Tăng tốc đầu tư cho y tế ảo

    Cả hai tập đoàn y tế hàng đầu ASEAN đều đang tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ liên quan để đón bắt xu hướng mới.

    IHH điều hành 80 bệnh viện tại 10 quốc gia, với các thị trường chính là Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Các bệnh viện của chuỗi này bao gồm một số tên tuổi hàng đầu trong khu vực, chẳng hạn như Bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore và Bệnh viện Gleneagles ở Malaysia và một số thị trường khác. Hai tên tuổi này là lựa chọn của giới giàu có từ các nước Indonesia, Trung Đông và các nơi khác đến khám và điều trị.

    IHH đã đầu tư vào ứng dụng công nghệ y tế Doctor Anywhere của Singapore năm 2020 bằng cách tham gia vòng tài trợ 27 triệu đô la của startup này. Năm ngoái, IHH cũng chêm thêm vốn cho Doctor Anywhere.

    Trong khi đó, điều hành 40 bệnh viện tại 30 thành phố ở xứ vạn đảo, Siloam là hãng con của tập đoàn bất động sản Lippo Group của Indonesia. Chuỗi bệnh viện này đã ra mắt và tiếp tục phát triển ứng dụng chữa bệnh từ xa MySiloam và đã thực hiện “đầu tư chiến lược” vào Prixa.ai – startup về chẩn đoán y tế có trụ sở tại Jakarta.

    Báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11 cho biết công nghệ y tế ở Đông Nam Á “tiếp tục quỹ đạo đi lên” trong bối cảnh dịch Covid đang kéo dài. Báo cáo nói nhà đầu tư “ngày càng lạc quan” trong lĩnh vực này với một kỷ lục – vốn tài trợ đạt 1,1 tỉ đô la chỉ trong nửa đầu năm 2021, so với khoảng 800 triệu đô la cho cả năm 2020.

    “Covid thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, và xu hướng này đang lan rộng sang lĩnh vực y tế. Các nhà đầu tư đang hướng tầm nhìn vào làn sóng các doanh nghiệp mới, ý tưởng mới khi các startup này đưa ra những cách tiếp cận đầy sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, báo cáo trên nhận định.

    Share
    0
    +1
    0
    Tweet
    0

    Tin cùng chuyên mục

    Hotline tư vấn

     0983 23 26 18